Cửa sổ văn hóa

Khai mạc ngày Văn hoá Phật giáo Ấn Độ tại Đại bảo tháp Mandala Tây Thiên

Tối 16/3/2017, tại Đại bảo tháp Mandala (Tây Thiên – Tam Đảo), Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai mạc Ngày Văn hóa Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam lần thứ 2. Ông Nguyễn Thiện Nhân – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi lẵng hoa chúc mừng.

`

Ngày Văn hóa Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam lần thứ 2 do TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972-7/1/2017) và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ (2007-2017).

Tới dự lễ khai mạc có Đức Gyalwang Drukpa – Trưởng dòng Truyền thừa Drukpa (Ấn Độ); Ngài Pa-Va-Than-Eni Ha-Rít – Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam; ông Trương Minh Tuấn – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ; ông Hà Ngọc Chiến – Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực Giáo Hội Phật giáo Việt Nam.

Về phía tỉnh Vĩnh Phúc, có ông Nguyễn Văn Trì – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Vũ Chí Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Bá Huy – Trưởng Ban Dân Vận Tỉnh ủy; ông Ngô Duy Đông – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành của Trung ương cùng đông đảo Chư tôn đức, Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng, Ni và đồng bào phật tử trong cả nước.

Ông Trương Minh Tuấn – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Trương Minh Tuấn – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ khẳng định: Lịch sử Phật Giáo Việt Nam đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của lịch sử Việt Nam. Không chỉ trong lĩnh vực Phật giáo, từ các vấn đề trong nước đến các sự kiện quốc tế, Việt Nam và Ấn Độ đã dành cho nhau sự ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trên mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Hai nước Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru dày công xây đắp và được nhân dân hai nước cùng nhau kết thành mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, luôn sẵn sàng ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Bước vào thế kỷ XXI, quan hệ Việt Nam – Ấn Độ đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Ngày Văn hóa Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức là cơ hội để giới thiệu nền văn hóa Ấn Độ, thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị lâu đời giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Ấn Độ. Đây cũng là cơ hội để giao lưu và tiếp biến Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Việt Nam, trao đổi tư tưởng, quảng bá những giáo lý của đức Phật vì hòa bình thịnh vượng và sự hòa hợp trên toàn thế giới.

Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực Giáo Hội Phật giáo Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp của Đại sứ quán Ấn Độ để tổ chức ngày Văn hoá Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu đánh giá cao sự phối hợp của Đại sứ quán Ấn Độ để tổ chức ngày Văn hoá Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam. Đây là một sự kiện vô cùng ý nghĩa và Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu tin tưởng chắc chắn rằng, chuỗi hoạt động trong Ngày văn hoá Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam là một chuỗi ngày để Việt – Ấn chia sẻ kinh nghiệm, đem lại lợi ích tâm linh cho đồng bào và phật tử.

Ngài Pa-Va-Than-Eni Ha-Rít – Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam phát biểu tại lễ khai mạc

Đức Gyalwang Drukpa, trưởng dòng Truyền thừa Drukpa bày tỏ sự trân trọng và tri ân tới toàn thể người dân Việt Nam

Cũng tại buổi lễ, Đức Gyalwang Drukpa, trưởng dòng Truyền thừa Drukpa bày tỏ sự trân trọng và tri ân tới toàn thể người dân Việt Nam trong suốt 10 năm qua, mỗi chuyến viếng thăm của ông đều viên mãn tốt đẹp. Ông cũng đã được tận mắt chứng kiến lòng hiếu khách và chí thành của Việt Nam. “Tôi tin rằng chúng tôi có được những kỷ niệm tuyệt vời này là bởi con người Việt Nam và con người Ấn Độ có những giá trị sống tương đồng với nhau được thừa hưởng từ đạo Phật, và tôi tin cũng chính nhờ những lí do này mà hai đất nước Việt Nam và Ấn Độ có được mối thâm giao như hiện nay”, Đức Gyalwang Drukpa chia sẻ.

Ông Vũ Chí Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại lễ khai mạc

Đại diện lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, ông Vũ Chí Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Ngày Văn hóa Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức tại Tây Thiên, miền đất linh thiêng của Phật giáo Việt Nam là sự kiện ngoại giao, giao lưu văn hóa rất có ý nghĩa, thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 quốc gia, sự mến khách của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Vĩnh Phúc nói riêng. Qua sự kiện giao lưu văn hóa này, sẽ là dấu ấn để mọi người hiểu biết thêm về đất và người Vĩnh Phúc.

Nhân dịp Ngày văn hoá Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam, nhiều hoạt động văn hóa, nghi lễ tâm linh sẽ được Đức Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn cử hành như Đại lễ Cầu an, Đại lễ Quán đỉnh (nghi lễ hướng dẫn và cho phép tu tập), Đại lễ An vị tượng Phật Thích Ca, các vũ điệu Mật thừa và khóa lễ triệu thỉnh, dâng cúng chư Phật giúp tiêu trừ chướng ngại, mang tới hạnh phúc, bình an.

Một số hình ảnh lễ khai mạc:

    Đại bảo tháp Mandala Tây Thiên nơi diễn ra lễ Khai mạc ngày Văn hoá Phật giáo Ấn Độ