Kiến trúc xưa và nay

Cung điện Hoàng Gia , Bangkok, Thái Lan

Cung điện Hoàng gia Thái Lan là một ví dụ điển hình của việc kết hợp kiến trúc truyền thống Thái Lan với phong cách phương Tây.

Hoàng cung ở Bangkok hay Cung điện Hoàng gia Thái Lan (Phra Borom Maha Ratcha Wang, the Grand Palace) là một khu phức hợp các di tích nằm kề nhau gồm: Cung điện Chitralada, quốc tự Wat Phra Kaew, Chakri Mahaprasad, cung điện Hoàng gia và cung điện Huy Hoàng.

Vào năm 1782, khi Rama I lật đổ Taksin, sáng lập nhà Chakri và quyết định rời nơi ở của Hoàng gia từ cung vua ở Thonburi (tỉnh Thoburi cũ, được sáp nhập vào Bangkok từ năm 1972) bên tả ngạn sông Chao Phraya tới Rattanakosin (nơi mà ngày nay là trung tâm Bangkok) ở hữu ngạn Chao Phraya, ông bắt đầu cho xây dựng một loạt kiến trúc bao gồm các cung điện và đền đài xa hoa tại đó để biểu lộ thân phận cao quý của hoàng gia. Từ đó về sau, mỗi vị quốc vương kế tục đều đã thêm vào cung điện một vài công trình kiến trúc. Ngày nay, hoàng cung thể hiện rõ một kiểu kiến trúc phức hợp, pha trộn từ truyền thống của Thái và Trung Hoa, cho đến thồi Phục Hưng của Pháp và Ý.

Giống như sơ đồ bố trí với cung vua tại Ayuthaya, hoàng cung ở Bangkok có rào xung quanh, biểu hiện đặc điểm pha trộn của Thái Lan giữa những yếu tố trần thế và thần linh. Có những bức tường cao bao bọc xung quanh, có lỗ châu mai và có hai lối đi vào bằng cổng chính.

Cung điện Hoàng gia là một ví dụ điển hình của việc kết hợp kiến trúc truyền thống Thái Lan với phong cách phương Tây. Tuy ngày nay cung điện này không còn là nơi ở của hoàng gia Thái Lan, nhưng nó vẫn là địa điểm diễn ra các sự kiện quan trọng, trong đó có cả lễ đăng quang của quốc vương. Nhiều người Thái tin rằng những ai viếng thăm ngôi chùa trong cung điện nơi có bức tượng Phật bằng ngọc xanh sẽ nhận được phước lành.

Theo Vietkings (tổng hợp) – Theo Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings.org) – Nguồn hình internet