Kiến trúc - xây dựng

Xây dựng thác Bản Giốc thành khu du lịch xứng tầm

Từ khi triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch (năm 2007 đến nay), tại khu du lịch thác Bản Giốc đã xây dựng được một mô hình làng bản với kiến trúc đặc trưng để khai thác và thu hút du lịch gắn với cộng đồng ở bản Khuổi Ky, tạo tiền đề thu hút các dự án cải tạo, chỉnh trang các công trình phục vụ du lịch.

Một địa điểm du lịch lý thú. (Nguồn ảnh: Internet)

Hiện có 5 dự án để phát triển hạ tầng, du lịch, dịch vụ được triển khai như: cải tạo nâng cấp tuyến đường tỉnh 206 từ cấp 5 miền núi lên cấp 4, giúp giảm thời gian đi từ TP Cao Bằng xuống thác Bản Giốc từ 4h xuống còn 2h; dự án xây dựng thủy điện Bản Rạ; xây dựng cụm nghỉ dưỡng kết hợp dịch vụ Saigin Bản Giốc Resort quy mô 31,5ha với 105 phòng; dự án chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc…..

Là khu du lịch có cảnh quan hấp dẫn nhưng cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch còn thiếu và yếu nên chưa khai thác hết hiệu quả tiềm năng của khu du lịch này. Việc lập quy hoạch chung xây dựng (QHCXD) khu du lịch thác Bản Giốc là cần thiết để đáp ứng các yêu cầu phát triển, quản lý, nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển du lịch gắn với an ninh quốc phòng.

Định hướng phát triển không gian toàn khu du lịch

Khu vực phát triển khu trung tâm thị trấn du lịch Bản Giốc sẽ tập trung tại khu vực phía Tây của khu du lịch với chức năng chính về hành chính, chính trị và các cơ sở kinh tế kỹ thuật cũng như hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo để trở thành trung tâm của thị trấn du lịch. Ngoài ra, sẽ tổ chức hệ thống các công trình phục vụ phát triển du lịch và dịch vụ du lịch.

Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc sẽ phát triển tập trung tại phía Đông của khu du lịch, nơi ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch và khu trung tâm điều hành, quản lý phát triển chung.

Riêng không gian du lịch sẽ được phân bổ tương ứng 2 khu vực: khu phía Tây và phía Đông thác Bản Giốc.

Khu vực phía Tây gồm vùng núi phía Tây Bắc được bảo tồn phát triển sản phẩm du lịch gắn với leo núi, cắm trại, thể thao mạo hiểm. Dòng sông Quây Sơn hoang sơ, thơ mộng sẽ phát triển sản phẩm du lịch gắn với cảnh quan và hệ sinh thái như chèo thuyền, thể thao mạo hiểm… Vùng đất bằng từ tỉnh lộ 206 đến dòng sông Quây Sơn sẽ trở thành trung tâm thị trấn du lịch trong tương lai, phát triển các khu dân cư mới theo mô hình tuyến phố du lịch, dịch vụ với nhà ở kiểu truyền thống. Động Ngườm Ngao sẽ được cải tạo, nâng cấp thành điểm tham quan hấp dẫn. Riêng khu vực quanh động sẽ tổ chức các loại hình du lịch đi bộ, cắm trại, du lịch dưới tán rừng và thể thao mạo hiểm leo núi, xe đạp địa hình. Không gian các làng bản được cải tạo chỉnh trang để hòa nhập vào khu phát triển mới. Không gian dọc tuyến đường tỉnh 206 đoạn từ cầu Háng Thoang đến nút giao với tuyến đường vào động Ngườm Ngao được nâng cấp để trở thành tuyến đường du lịch xuyên suốt toàn khu du lịch.

Khu vực phía Đông thác Bản Giốc: vùng phía trên đỉnh trong phạm vi 100m tính từ đỉnh thác nước bảo tồn nguyên trạng cảnh quan tự nhiên; riêng vùng phía chân thác được cải tạo chỉnh trang, tạo dựng không gian mở tối đa để không ảnh hưởng đến trường nhìn ra thác. Khu phía Nam gồm khu nghỉ dưỡng, chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, địa hình núi dốc, các triền thoải được bảo tồn tôn tạo giữ gìn không gian xanh, sinh thái tự nhiên…

Vùng không gian bằng phẳng tại phía Nam tuyến đường tỉnh 206, tại xóm Bản Giốc là khu vực xây dựng hệ thống các công trình dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú, quỹ đất tái định cư. Đây cũng là vùng cánh đồng tiếp giáp sông Quây Sơn nên cũng được ưu tiên gìn giữ không gian sinh thái nông nghiệp đặc trưng nhằm tạo không gian chuyển tiếp mềm mại cho dòng sông. Vùng không gian trong lòng sông Quây Sơn được bảo tồn nguyên trạng.

Đầu tư, nâng cấp hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển

Các cơ sở lưu trú khách sạn, resort được xây dựng tại khu phía Tây và phía Đông được phát triển đa dạng nhằm đáp ứng cầu của du khách. Ngoài ra khu du lịch sẽ phát triển loại hình lưu trú cộng đồng gắn với các bản làng văn hóa.

Trung tâm chính trị hành chính du lịch được phát triển tại trung tâm xã Đàm Thủy hiện hữu, bổ sung thêm các công trình hành chính chính trị để đảm bảo thành không gian hành chính tương đương tiêu chí đô thị loại V. Quỹ đất chưa xây dựng phía trước trung tâm xã hiện có sẽ cải tạo chỉnh trang để trở thành quảng trường.

Ngoài chợ trung tâm xã hiện có, đồ án quy hoạch thêm 2 chợ mới ở phía Nam đường tỉnh 206 và chợ tại xóm Bản Giốc. Ngoài ra sẽ xây dựng một số tuyến phố thương mại, dịch vụ, du lịch nối giữa tuyến đường 206 với đường vào bản Cô Muông, hướng vào quảng trường khu trung tâm. Khu dân cư cũ được cải tạo chỉnh trang. Đối với nhà dân sống bám quốc lộ sẽ cải tạo nhằm tạo khoảng lùi không gian đồng nhất, chỉnh trang mặt đứng công trình, cốt xây dựng, chiều cao nhà. Còn khu dân cư sinh sống các làng bản sẽ bảo tồn các công trình nhà ở truyền thống có bản sắc, nâng cấp hạ tầng. Khu dân cư mới sẽ được quy hoạch đồng bộ hiện đại nhưng vẫn giữ bản sắc truyền thống.

Đồ án vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện để sớm trình Chính phủ phê duyệt, tạo điều kiện giúp Cao Bằng quản lý tốt xây dựng theo quy hoạch, khai thác tốt tiềm năng du lịch thác Bản Giốc.

(Theo baoxaydung.com.vn)